Ứng cứu khủng hoảng
Chiếc điện thoại thông minh có thể cứu sống bạn trong tình huống khẩn cấp bằng cách nào?
Google hợp tác với các dịch vụ khẩn cấp để cải thiện công nghệ thông tin vị trí cho những nhân viên ứng cứu đầu tiên
Đọc trong 5 phút
Christian Steiner là một phi công lái trực thăng cứu hộ làm việc tại dãy Alps, vùng Hạ Áo. Cảnh sắc nơi đây ngoạn mục bao nhiêu thì cũng nguy hiểm bấy nhiêu. Do đây là địa điểm yêu thích của những người đi bộ đường dài, người chơi dù lượn và người trượt tuyết, nên tai nạn cũng thường xuyên xảy ra. Vấn đề nảy sinh khi gần đây, Christian thực hiện một nhiệm vụ giải cứu ở khu vực dãy Alps hoang vu rộng lớn mà anh lại không biết phải tìm kiếm nạn nhân ở đâu.
Nhiều năm qua, Christian phải phụ thuộc vào công nghệ định vị lỗi thời, chỉ có thể ước tính vị trí của người gọi dựa trên dữ liệu cột thu phát sóng điện thoại di động gần nhất. Khoảng cách ước tính đó có thể dao động từ 100 m đến 20 km, có nghĩa là Christian có thể sẽ bay nhầm sang một đỉnh núi hoặc thậm chí là đến một ngọn núi khác.
Đây không chỉ là vấn đề của riêng các phi công trực thăng như Christian, mà nó còn đeo bám lĩnh vực cứu hộ khẩn cấp suốt nhiều năm qua, nhất là từ khi điện thoại di động ra đời. Các cuộc gọi khẩn cấp trên điện thoại cố định sẽ kết nối với một địa chỉ đường phố chính xác, nhưng cuộc gọi trên điện thoại di động có thể đến từ bất cứ đâu.
Người gọi thường bị mất phương hướng, kiệt sức và không thể mô tả chính xác họ đang ở đâu. Dù chỉ chậm vài phút để tìm được vị trí của nạn nhân thì cũng có thể gây ra những hậu quả tai hại, thậm chí là chết người.
Nữ kỹ sư Maria Garcia Puyol của Google chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ rằng những nhân viên ứng cứu khẩn cấp sử dụng công nghệ định vị tân tiến tuyệt vời này”. Maria làm việc trong lĩnh vực dịch vụ vị trí trên điện thoại Android Android là một hệ điều hành dành cho thiết bị di động do Google phát triển. Đây là một nền tảng mã nguồn mở, chạy trên hơn 2,5 tỷ thiết bị (do hơn 1.300 thương hiệu sản xuất) trên toàn cầu., giúp đảm bảo rằng mỗi chấm màu xanh lam trên bản đồ Google Maps xuất hiện chính xác nhất có thể. Khi Maria nhận thấy rằng các dịch vụ khẩn cấp nhận được thông tin vị trí không giống như thông tin của những hãng taxi hay giao đồ ăn có, cô quyết tâm khắc phục vấn đề này.
Các kỹ sư khác tại Google cũng sát cánh hỗ trợ cho dự án của Maria. Không lâu sau, cô đã kết nối với một đơn vị khác có chung chí hướng: Hiệp hội Số khẩn cấp Châu Âu (EENA). EENA đã dành hơn 10 năm để hỗ trợ những cải tiến về công nghệ định vị khẩn cấp. Là chuyên gia về các quy trình cứu hộ trên khắp Châu Âu, EENA có mối quan hệ với hầu hết tất cả mọi người trong lĩnh vực này.
Ông Benoît Vivier, người phụ trách ngoại giao tại EENA chia sẻ: “Bạn thực sự cảm thấy rằng mình đang góp một phần sức lực vào công tác cứu người. Đó cũng là lý do mỗi ngày tôi thức dậy sớm và đến văn phòng”. Mặc dù nhiều năm qua, độ chính xác của công nghệ định vị trong lĩnh vực cứu hộ khẩn cấp đã được cải thiện tại một số quốc gia, nhưng tiến độ chậm và quy mô nhỏ. Ngay sau khi EENA và Google nhận ra họ đang nỗ lực giải quyết cùng một vấn đề nhưng theo cách khác nhau, cả hai đã quyết định hợp tác cùng nhau.
Vài tháng sau, Dịch vụ vị trí khẩn cấp (ELS) trên Android đã được triển khai trên 99% điện thoại Android. Kết hợp nhiều thông tin như phép đạc tam giác cột thu phát sóng điện thoại di động, Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) và Wi-Fi, công nghệ này có thể cung cấp thông tin vị trí chính xác hơn gấp 3.000 lần so với hệ thống trước đây ở hầu hết các quốc gia trên thế giới1. Bất cứ khi nào người dùng thực hiện cuộc gọi khẩn cấp trên điện thoại Android ở một quốc gia đã triển khai ELS, hệ thống sẽ tự động gửi tọa độ đến các dịch vụ khẩn cấp. Nói cách khác, nhân viên ứng cứu khẩn cấp có thể nhận thông tin vị trí của ELS trực tiếp từ điện thoại.
Bán kính tìm kiếm khi sử dụng ELS
12 m
6 m
Bán kính tìm kiếm khi không sử dụng ELS
900 m
14 km
Trước khi có ELS, nhiều nhân viên ứng cứu đầu tiên chỉ có thể định vị các cuộc gọi khẩn cấp dựa trên vị trí của các cột thu phát sóng điện thoại di động gần nhất, mà phạm vi này có khả năng rộng tới 20 km.
Ví dụ 1
Ví dụ 2
Maria vẫn nhớ thời điểm cô nghe kể về thành công đầu tiên của ELS. Vào tháng 1 năm 2017, một cậu bé 7 tuổi người Litva tên là Nojuh thấy cha cậu bị co giật và ngã quỵ trong phòng khách. Trong lúc hoảng sợ, Nojuh lấy điện thoại di động của cha mình và gọi cho dịch vụ cấp cứu. Cậu bé không biết địa chỉ nhà mình và cột thu phát sóng điện thoại di động gần nhất chỉ thu hẹp được vị trí của cậu trong vòng trong bán kính 14 km. Rất may là ELS đã được triển khai tại Litva 3 tháng trước đó và nhà cung cấp dịch vụ cấp cứu đã nhận được thông tin vị trí của Nojuh trong bán kính 6 m2. Xe cứu thương nhanh chóng được điều đến và đưa cha của Nojuh tới một bệnh viện gần đó để chữa trị.
ELS hiện đang hoạt động tại hơn 20 quốc gia trên 5 châu lục và giúp cung cấp thông tin vị trí cho 2 triệu cuộc gọi khẩn cấp mỗi ngày3. Trước những thành công của ELS trên khắp toàn cầu, EENA và Google vẫn tiếp tục nỗ lực mở rộng và hoàn thiện công nghệ này. Maria cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng không còn ai phải chết vì dịch vụ cấp cứu không tìm thấy họ kịp thời”.
Còn với Christian, dù rằng công việc của anh luôn gắn liền với rủi ro, nhưng anh đã cảm thấy yên tâm hơn vì giờ đây, công nghệ mới có thể giúp cả Christian và những người cần anh giải cứu tiết kiệm được chút thời gian quý báu. Anh chia sẻ: “Động lực lớn nhất trong công việc của tôi là giúp đỡ mọi người, bất kể họ gặp phải tình huống nào. Nếu có thể giúp họ, tôi sẽ giúp”.
- 1 Báo cáo chính thức về dự án Help112 của Liên minh Châu Âu năm 2017
- 2 Hiệu quả của dịch vụ ELS có thể khác nhau tùy thuộc vào môi trường, điều kiện kết nối mạng, lựa chọn của đối tác về giao thức truyền tải và khoảng tin cậy, v.v.
- 3 theo dữ liệu nội bộ của Google.