Gặp gỡ người đàn ông mang trên mình sứ mệnh lấy lại bầu không khí trong lành cho cả Châu Phi bằng trí tuệ nhân tạo
"Tôi cực kỳ quan tâm đến không khí", ông Engineer Bainomugisha chia sẻ trong khi lắp chặt chiếc hộp nhỏ màu đen lên phía sau một chiếc xe ôm nơi thủ đô Kampala nhộn nhịp của Uganda. Người bình thường nhìn vào có thể thấy chiếc hộp này khá bình thường, nhưng đây lại chính là thiết bị đang được sử dụng để đối phó với tình trạng ô nhiễm ở mức nguy hiểm trên đường phố Kampala. Khi kết hợp với trí tuệ nhân tạo, chiếc hộp này có khả năng cải thiện cuộc sống và chất lượng không khí cho hàng triệu người trên khắp Uganda.
Ông Engineer lớn lên ở vùng nông thôn của Uganda. Lần đầu tiên ông chứng kiến tình trạng ô nhiễm môi trường ở Kampala là trong chuyến đi dài 300 km từ nhà lên Đại học Makerere ở thủ đô để theo học ngành khoa học máy tính. Bằng niềm đam mê công nghệ vốn có, ông thường thức dậy khi mặt trời còn chưa mọc để luyện tập viết phần mềm trên một trong những chiếc máy tính hiếm hoi ở phòng thí nghiệm của trường. Ông đâu biết rằng một ngày nào đó ông sẽ dùng chính những kiến thức mình học được để giúp mọi người tự bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm ở Kampala và nhiều nơi khác.
Ông Engineer hiện là trưởng khoa Khoa học máy tính ở chính trường đại học năm xưa và là người dẫn dắt dự án tiên phong AirQo. Đây là sáng kiến kết hợp trí óc sáng tạo của con người, các mô hình trí tuệ nhân tạo cùng những chiếc hộp mang trong mình công nghệ theo dõi chất lượng không khí để dự đoán diễn biến của tình trạng ô nhiễm ở Kampala.
Để thu thập dữ liệu về tình hình ô nhiễm trên khắp thành phố, ông Engineer cùng một nhóm sinh viên tâm huyết tiến hành lắp đặt cảm biến không khí trên nóc các tòa nhà và phía sau những chiếc xe ôm, gọi là boda boda, một trong những phương tiện di chuyển phổ biến nhất thành phố. Sau đó, họ dùng phần mềm trí tuệ nhân tạo trên đám mây để phân tích dữ liệu về các hạt bụi trong không khí theo thời gian thực và dự đoán tình trạng ô nhiễm ở địa phương. Những kết quả dự đoán này giúp các cộng đồng ở Kampala tìm được cách giảm nguy cơ tiếp xúc với bụi. Đồng thời, các cơ quan chính phủ hiện cũng dùng những kết quả này để cải thiện chất lượng không khí trên mặt đất.
Trong số hơn 2.600 ứng viên, ông Engineer cùng nhóm nghiên cứu của Đại học Makerere là một trong 20 tổ chức được tuyển chọn để nhận khoản tài trợ thông qua chương trình Impact Challenge của Google AI. Chương trình này là sáng kiến của Google.org nhằm hỗ trợ tổ chức phi lợi nhuận, công ty khởi nghiệp cũng như các nhà nghiên cứu trong việc khai thác khả năng của trí tuệ nhân tạo để giải quyết những thách thức về xã hội và môi trường. Thông qua chương trình này, nhóm nghiên cứu của Đại học Makerere cũng được các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo của Google và DeepMind huấn luyện và cố vấn qua khóa đào tạo tăng tốc phát triển kéo dài 9 tháng.
Mạng lưới cảm biến không khí hiện đã có mặt trên khắp Kampala nhờ được lắp phía sau những chiếc xe boda boda. Mặc dù vậy, ông Engineer luôn mong rằng một ngày nào đó công nghệ này sẽ làm giảm tình trạng ô nhiễm ở mọi con đường trên khắp lục địa này, để cả thế hệ hiện tại và tương lai cùng được hưởng bầu không khí trong lành.