Giữa các thế giới
Trong quá trình tìm kiếm một cách để dung hòa tuổi thơ ở khu vực dành riêng cho người bản địa với thời thiếu niên ở Houston, Robin Máxkii đã có một cuộc sống tràn ngập các hoạt động xã hội, công nghệ và khoa học.
Tôi nghĩ rằng công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong những cộng đồng dân cư thiếu thốn tiện nghi ở đô thị và nông thôn, vì họ luôn phải nghĩ cách để xoay sở – đó là nguyên lý cơ bản của hoạt động tin tặc.
Robin Máxkii
Chi nhánh trung tâm của Thư viện Công cộng Houston là một kho báu, vì dọc theo hành lang nối tòa nhà kiểu lâu đài cũ với trung tâm trẻ em, có một dãy máy tính. Robin Máxkii chuyển hẳn đến Houston năm 11 tuổi, sau khi sống ở khu dành riêng cho người bản địa Stockbridge-Munsee tại trung tâm Wisconsin. Khi đó cô gái trẻ rất vui mừng khi có thể truy cập Internet tại thư viện thành phố. Nhưng ngay cả khi trung tâm hầu như trống trơn, vẫn có một rào cản không cần thiết: mỗi máy tính chỉ cho phép duyệt web nửa giờ.
“Tôi quyết định tôi sẽ bấm chuột khắp nơi để đối phó với hạn chế này, vì tôi muốn dùng máy tính” -- cô nhớ lại. “Thật nực cười, nhất định phải có cách chứ.” Cuối cùng, cô bấm vào phần cài đặt máy tính và tắt mục giới hạn thời gian. Nhờ đó, cô đã có thể tự do tra cứu những gì cô quan tâm.
Đó không phải hành động tin tặc theo kiểu dùng cách tấn công brute force, nhưng tôi nhận ra mình có thể yêu cầu máy tính làm việc. Có rất nhiều trở ngại, nhưng một khi vượt qua, những khả năng bạn có được là vô tận.
Robin Máxkii
Sau vài năm làm trợ lý sản xuất trong ngành điện ảnh những năm 19 20 tuổi, Máxkii chuyển đến sống tại một nhà trọ ở Albuquerque. Phòng cô thuê có 8 người. Cô ngủ cùng chiếc ba lô chứa tất cả đồ đạc của mình. Cô ngắm các sinh viên Đại học New Mexico đi dạo quanh khu phố vào đầu năm học mới.
Trên blog cá nhân của cô có tên Native Notes, nơi đã nhiều năm cô viết một cách say mê về các vấn đề liên quan đến người bản địa, Máxkii nhận được một bình luận ẩn danh. Bình luận này nói rằng nếu muốn chủ động thay đổi cộng đồng mà cô đã viết trong các bài blog, cô nên đi học đại học. Máxkii nói: "Đó chính là hạt giống gieo mầm cho tôi. Đó là một chất xúc tác". Có một giải pháp cho vấn đề, trong khi tôi chỉ ngồi một chỗ để phàn nàn.
Tôi nhớ mình đã sử dụng Google để tìm kiếm những điều cơ bản, và mặc dù có một số thuật ngữ lạ, tôi cũng đã tìm ra cách điền FAFSA (Đơn xin trợ cấp liên bang dành cho học sinh), cũng như cách viết sơ yếu lý lịch và bài luận tuyển sinh đại học.
Robin Máxkii
Máxkii đã từng nghe mọi người trong nhà, cũng như trong cộng đồng nơi cô sinh sống kể về những trường đại học và cao đẳng dành cho các nhóm thiểu số – do những người thuộc nhóm thiểu số ở Hoa Kỳ kiểm soát và quản lý. Trong số 35 trường đại học và cao đẳng dành cho các nhóm thiểu số trên khắp Hoa Kỳ, Máxkii quyết định theo học đại học Diné ở Tsaile, Arizona, thuộc xứ Navajo. Được thành lập năm 1968 với tư cách là trường đại học đầu tiên dành cho các sắc dân bản địa ở Hoa Kỳ, ngôi trường này luôn dành tâm huyết cho các vấn đề của người bản địa. Cô chọn ngôi trường này vì "ngôi trường đồng nghĩa với việc cộng đồng của chúng tôi đang dạy chúng tôi, đang đặt ra những thước đo để giúp chúng tôi thành công".
Tôi đã thấy tiềm năng ngay trong buổi đầu gặp gỡ Robin, và đó chính là trí tuệ của cô ấy. Nhiệm vụ của tôi hồi đó là nhẹ nhàng khuyến khích cô ấy, và giờ đây cô ấy cũng đang làm như thế với bạn bè.
Tiến sĩ Miranda Haskie
Miranda Haskie giảng dạy môn xã hội học tại trường Đại học Diné, và là người Mỹ bản địa đầu tiên có bằng tiến sĩ mà Máxkii gặp. Bà nhớ vào ngày đầu tiên đến lớp, Máxkii ngồi ở hàng đầu tiên, và sau đó, bà đã được chứng kiến Máxkii ngày càng năng nổ trong những năm học ở trường. Cô dạy sinh viên cách sửa máy tính, tổ chức những hội chợ công nghệ nhỏ và thậm chí còn cố xác lập kỉ lục Guinness cho chiếc bánh mì chiên lớn nhất.
Khi ở bên [Máxkii], sinh viên luôn thấy an toàn, và có thể dễ dàng phát huy và tận dụng tiềm năng của họ. Khi nhìn cô ấy, họ có thể thấy những cơ hội đó có thể mang lại những gì. Qua cô ấy, họ có thể thấy họ muốn trở thành người như thế nào.
Bác sĩ Miranda Haskie
Trong kỳ thực tập mùa hè tại Mạng lưới Giáo dục chất lượng dành cho các nhóm thiểu số (QEM) gần Dupont Circle ở Washington, DC, Máxkii cần thu thập dữ liệu từ trang web của các trường đại học dành cho các nhóm thiểu số để phục vụ một dự án. Thay vì truy cập thủ công từng trang, cô đã nghĩ ra được cách lập trình để tổng hợp thông tin. Hành động đó đã thu hút sự chú ý của chủ tịch QEM, Tiến sĩ Shirley McBay.
Tất cả những nhân vật tầm cỡ này đều làm việc ở Hill. Tại sao tôi lại không thể thực tập ở đó?
Robin Máxkii
Máxkii nghĩ mình đã làm gì sai rồi. Cô nghĩ mình gặp rắc rối to rồi, và sẽ bị đuổi việc. Nhưng đó không phải lí do tiến sĩ McBay gọi cô đến để tìm hiểu về việc cô đang làm.
"Cô ấy nói, 'Tại sao chúng ta không theo đuổi công nghệ?' Đó là một khoảnh khắc kỳ lạ khi tôi hiểu rằng việc một [thực tập sinh] biết sử dụng Ruby hay Python là điều không mấy khi xảy ra", cô dẫn những ngôn ngữ lập trình phổ biến để làm ví dụ. Tiến sĩ McBay khuyến khích Máxkii tiếp tục theo đuổi khoa học máy tính. "Khi nghĩ đến các lập trình viên, tôi không nghĩ đó là những người giống tôi. Nhưng chính vấn đề nằm ở chỗ đó," Máxkii nói. "Điều quan trọng là năng lực của bạn."
Máxkii nhận ra vấn đề của việc thiếu sự hiện diện và thiếu sự ghi nhận. Do đó cô quyết định tiếp tục thực tập tại DC và tiếp tục theo đuổi sự nghiệp ủng hộ phương pháp giáo dục STEM. Cô ấy tiếp cận hoạt động này theo cách tương tự như khi cô truy cập vào chiếc máy tính ở Houston.
Sau khi phát biểu tại một sự kiện hội thảo tại NASA, Máxkii nhận ra ra CEO của Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật của người Mỹ bản địa (AISES) và cảm thấy rất phấn khích. "Đối với tôi, cô ấy là một ngôi sao, nên dĩ nhiên tôi phải tìm cách tiếp cận cô ấy."
Đó là một cơ hội để đạt được một bước tiến quan trọng cho một trong những ý tưởng lớn của Máxkii: một cuộc thi phát triển phần mềm dành riêng cho học sinh/sinh viên gốc thổ dân châu Mỹ, có quan tâm đến STEM.Cô nói: "Tôi từng giới thiệu ý tưởng này với nhiều tổ chức, và họ thường mặc nhiên cho rằng thổ dân không quan tâm đến vấn đề này".
Máxkii đã thuyết trình ý tưởng của mình mà không hề cảm thấy sợ hãi. Thậm chí, trong một loạt phim PBS, cô còn lấy điện thoại ra để phát một đoạn video phỏng vấn các lãnh đạo trong giới công nghệ. Trong 2 năm, tôi luôn bị từ chối, cuối cùng thì cánh cửa đã hơi hé mở cho tôi, vì vậy, tôi cứ tiếp tục đi tới. Máxkii đã có được sự ủng hộ để tổ chức một sự kiện hackathon cho Hội nghị Quốc gia của AISES.
Trong 2 năm, tôi luôn bị từ chối, và cuối cùng cánh cửa đã hơi hé mở cho tôi, và vì vậy, tôi cứ tiếp tục đi tới.
Robin Máxkii
Năm 2016, với sự điều phối của Máxkii, hackAISES là sự kiện hackathon đầu tiên dành cho sinh viên đại học là người Mỹ bản địa, thu hút sự tham gia của nhiều người, từ các học sinh trung học đến những người tốt nghiệp tiến sĩ ngành khoa học máy tính. Cuộc thi thành công đến mức đã trở thành một sự kiện thường xuyên: Chương trình hội thảo năm nay của AISES, tổ chức tại thành phố Oklahoma, có cuộc thi hackathon thường niên lần thứ ba diễn ra vào ngày 03/10.
Chúng tôi có mục tiêu. Chúng tôi có ước mơ. Và chúng tôi không cho phép bất cứ ai cản đường hoặc kéo chúng tôi lại.
Keenan Lee Barlow
Keenan Lee Barlow và Máxkii gặp nhau khi còn học đại học và nhanh chóng trở thành bạn bè, vì cũng giống như Máxkii, người luôn phải chuyển chỗ ở khi còn nhỏ, Keenan lớn lên ở thành phố Salt Lake trước khi chuyển đến một khu dành riêng cho người bản địa. Anh nói: “Tôi cảm thấy như tôi và [cô ấy] đã quen nhau từ lâu”. "Chúng tôi kết bạn một cách tự nhiên. Cô ấy khiến tôi nhớ đến một người chị em của tôi”.
Máxkii đã đưa anh đi tham quan trường, và giúp anh tìm lớp, nhưng điều quan trọng nhất là Robin đã giúp anh tìm ra cách xin học bổng của Quỹ giáo dục đại học dành cho người Mỹ bản địa và xứ Novajo, bên cạnh nhiều nguồn khác. Chia sẻ kiến thức và nguồn lực đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời Máxkii.
Máxkii chuyển dần sự chú ý sang việc nộp đơn vào trường sau đại học, nhưng cô vẫn rất quan tâm đến việc nhân rộng sự hiện diện của cộng đồng cô trong những lĩnh vực mà cô tiếp cận. "Ngay lúc này, cộng đồng khoa học nói chung vẫn còn thiếu tiếng nói của người bản địa" -- cô cho biết.
Cô muốn hướng đến những cộng đồng thiếu thốn tiện nghi, phân bổ cho họ nhiều tài nguyên hơn, và trao quyền để những người ở đó biết rằng "họ là một phần của thế giới rộng lớn". Cô muốn thúc đẩy sự hòa nhập, khuyến khích mọi người tham gia và khiến họ nhận ra rằng họ không chỉ thông minh mà còn hoàn toàn có khả năng đóng góp cho các lĩnh vực khoa học.
Là một người phụ nữ bản địa, tôi từng cảm thấy mình như đang đi trên dây, nhưng mọi chuyện đều xoay quanh cảm giác được trao quyền và biết bạn có thể làm cả hai. Bạn vừa có thể là một nhà nghiên cứu hoặc lập trình viên máy tính, vừa có thể mang theo nền văn hóa của mình.
Robin Máxkii