Nhân quyền
Trong bức thư đầu tiên gửi tới các cổ đông, những nhà sáng lập Google đã nêu rõ mục tiêu của Google là “phát triển các dịch vụ nhằm cải thiện đáng kể cuộc sống của nhiều người nhất có thể”. Tầm nhìn này tiếp tục là kim chỉ nam cho mọi nhân viên tại Google. Chúng tôi tin rằng sức mạnh và tiềm năng của công nghệ có tác động tích cực đáng kể trên toàn cầu.
Dù làm việc gì, bao gồm cả việc ra mắt sản phẩm mới và mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu, chúng tôi cũng luôn tuân theo các tiêu chuẩn về nhân quyền được quốc tế công nhận. Chúng tôi cam kết tôn trọng các quyền nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và các hiệp ước thực thi có liên quan, đồng thời tuân theo các tiêu chuẩn được ban hành trong Nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền (UNGP) và Nguyên tắc của tổ chức Sáng kiến Mạng Toàn cầu (Nguyên tắc của GNI).
Bên cạnh việc chủ động khai thác sức mạnh của công nghệ để thúc đẩy nhân quyền và tạo cơ hội mới cho mọi người trên khắp thế giới, chúng tôi cũng cam kết đưa ra những quyết định có trách nhiệm liên quan đến các công nghệ mới nổi.
BAN GIÁM SÁT VÀ HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
Các hoạt động của Google liên quan đến nhân quyền và quyền công dân được tiến hành thông qua Chương trình nhân quyền – một bộ phận nghiệp vụ trung tâm chịu trách nhiệm đảm bảo việc chúng tôi tuân thủ cam kết của mình đối với UNGP, Nguyên tắc của GNI và các tài liệu pháp lý chính thức khác về nhân quyền và quyền công dân. Chương trình này được thực thi cho toàn thể Google và tất cả sản phẩm của Google (chẳng hạn như các sản phẩm phần cứng, Tìm kiếm, Cloud và YouTube).
Ban quản lý cấp cao sẽ giám sát việc triển khai các hoạt động về nhân quyền và quyền công dân, đồng thời thường xuyên báo cáo cho Ủy ban Tuân thủ và Kiểm tra trực thuộc Hội đồng quản trị của Alphabet. Năm 2020, Hội đồng quản trị sửa đổi điều lệ của Ủy ban Tuân thủ và Kiểm tra để bổ sung một cách rõ ràng trách nhiệm giám sát các vấn đề về nhân quyền và quyền công dân.
Trong quá trình phát triển, chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện việc triển khai các cam kết của mình về nhân quyền. Ví dụ: chúng tôi đang thành lập một Hội đồng quản trị về nhân quyền (Human Rights Executive Council - HREC) nhằm giám sát và hướng dẫn cho Chương trình nhân quyền về vấn đề nhân quyền trên phạm vi toàn cầu và quyền công dân ở Hoa Kỳ. Các thành viên của hội đồng sẽ đại diện cho các bộ phận nghiệp vụ và các dòng sản phẩm chính của Google, đồng thời thường xuyên tiếp thu ý kiến của những người đứng đầu Chương trình nhân quyền.
CHƯƠNG TRÌNH NHÂN QUYỀN
Nhiệm vụ của Chương trình nhân quyền là xúc tiến chiến lược vì nhân quyền và quyền công dân trong toàn công ty, tư vấn cho các nhóm phụ trách sản phẩm về tác động tiềm ẩn liên quan đến nhân quyền và quyền công dân, tiến hành thẩm định về nhân quyền, đồng thời phối hợp với các bên liên quan và chuyên gia ngoài công ty.
Chúng tôi lồng ghép các hoạt động về nhân quyền vào các quy trình và thủ tục trên toàn công ty. Chúng tôi có một mạng lưới nhân viên phụ trách theo sản phẩm, khu vực và nghiệp vụ – họ là những người được giao trách nhiệm bảo vệ người dùng mỗi ngày. Nhân viên của chúng tôi cũng có thể nêu lên các mối quan ngại về nhân quyền và quyền công dân. Những vấn đề như vậy sẽ được Chương trình nhân quyền và ban quản lý cấp cao xem xét khi phù hợp.
Thẩm định và quản lý rủi ro
Chúng tôi đưa các nguyên tắc về nhân quyền và quyền công dân vào các chiến lược dài hạn cũng như các quyết định thường ngày của Google. Google có đội ngũ cố vấn theo sản phẩm để tư vấn cho các nhóm phụ trách sản phẩm. Họ cũng tham gia vào quá trình phát triển và triển khai các tính năng và sản phẩm mới. Đội ngũ cố vấn theo sản phẩm và khu vực sẽ phối hợp với các chuyên gia phụ trách vấn đề và khu vực thuộc nhóm nhân viên phụ trách chính sách của Google để đánh giá rủi ro về mặt pháp lý và chính sách. Chương trình nhân quyền cũng quản lý hoạt động thẩm định về nhân quyền, trong đó có việc đánh giá tác động về nhân quyền, phối hợp với các bên liên quan nội bộ về những vấn đề như quản trị dữ liệu, chính sách nội dung và chuỗi cung ứng.
Phối hợp hoạt động
Phối hợp với các chuyên gia bên ngoài và các bên chịu ảnh hưởng là một phần thiết yếu trong hoạt động của chúng tôi về nhân quyền và quyền công dân. Chúng tôi thường xuyên phối hợp và tổ chức các buổi tư vấn chính thức với các tổ chức xã hội dân sự và các bên liên quan khác để lấy ý kiến trong quá trình phát triển sản phẩm và xây dựng chính sách.
Những hoạt động như vậy giúp chúng tôi xác định, sắp xếp thứ tự ưu tiên và giải quyết những tác động tiềm ẩn và hiện hữu liên quan đến nhân quyền và quyền công dân. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để chúng tôi tiếp thu ý kiến phản hồi về những điểm cần cải thiện cũng như cách cải thiện các chính sách, phương thức hoạt động và dịch vụ của mình.
TÍNH MINH BẠCH
Tính minh bạch là yếu tố cốt lõi trong cam kết tôn trọng nhân quyền của chúng tôi. Năm 2010, chúng tôi trở thành công ty Internet đầu tiên triển khai một công cụ cung cấp cho mọi người thông tin về các yêu cầu của chính phủ liên quan đến dữ liệu người dùng và hoạt động xóa nội dung. Hiện nay, trung tâm Báo cáo minh bạch của Google có các báo cáo minh bạch liên quan đến yêu cầu cung cấp thông tin người dùng, yêu cầu của chính phủ về việc xóa nội dung, việc chặn và cản trở quyền truy cập, cùng nhiều chủ đề khác có khả năng ảnh hưởng đến nhân quyền.
Sự minh bạch giúp người dùng, công chúng, cơ quan quản lý và nhà hoạch định chính sách hiểu rõ các chính sách và sản phẩm của chúng tôi. Đó là lý do chúng tôi tạo ra những công cụ như các trang Cách hoạt động của Tìm kiếm, Cách hoạt động của Play và Cách YouTube hoạt động để giải thích cách hoạt động của các sản phẩm của chúng tôi, đồng thời cung cấp thông tin về cách xử lý của chúng tôi đối với một số vấn đề cụ thể, chẳng hạn như thông tin sai lệch và chất lượng thông tin.
Là một thành viên sáng lập của tổ chức Sáng kiến Mạng Toàn cầu, Google được một bên thứ ba độc lập tiến hành đánh giá định kỳ nhằm xem xét cách Google áp dụng các Nguyên tắc của GNI trong việc quản lý rủi ro, quản trị và thẩm định, cũng như trong phương thức vận hành. GNI cung cấp công khai những kết quả đánh giá về Google.